Thị trường thức ăn chăn nuôi trong và ngoài nước

Thức ăn chăn nuôi (TACN) được đánh giá là lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng trong các năm gần đây và sắp tới. Hiện các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm thị phần áp đảo nhưng đã bắt đầu có những tín hiệu “phản công” từ các doanh nghiệp nội.

 

“Ngoại” thắng thế

Thị trường TACN của Việt Nam được đánh giá là một mảnh đất còn rất nhiều tiềm năng. Với định hướng của Chính phủ (đưa ngành chăn nuôi chiếm hơn 40% tỷ trọng giá trị toàn ngành nông nghiệp vào năm 2020), rõ ràng mảng TACN (chiếm tới 70% trong cơ cấu thành phần tạo nên giá của sản phẩm chăn nuôi) đang là một mắt xích vô cùng quan trọng. Đáng tiếc là trong nhiều năm qua, mảnh đất màu mỡ này lại đang bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh và nắm thế thượng phong.

Số liệu từ Hiệp hội TACN cho thấy, hiện cả nước có 239 nhà máy chế biến TACN, trong đó 180 nhà máy là của các doanh nghiệp trong nước, 59 nhà máy còn lại là các doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp FDI. Mặc dù số lượng nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài không nhiều nhưng lại đang chiếm 60-65% tổng sản lượng TACN sản xuất ra. Ngược lại, khối tư nhân và khối nhà nước có số lượng nhà máy lớn nhưng lại chỉ chiếm 35-40% trong tổng sản lượng.

Doanh nghiệp chiếm thị phần cao nhất hiện nay là Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với 19,4%; kế tiếp là Công ty TNHH Cargill Việt Nam với 8,11%; xếp sau lần lượt là các doanh nghiệp như Proconco (8%); Green Feed (5%); Anco (4%)... Như vậy, chỉ riêng hai công ty đầu ngành CP và Cargill đã chiếm gần 30% thị trường TACN của cả nước.

Không chỉ vượt trội về thị phần, hầu hết các tập đoàn đa quốc gia khi vào Việt Nam đều có chiến lược kinh doanh hết sức bài bản: đầu tiên là cung cấp thức ăn, con giống, sau đó là thiết lập các trang trại chăn nuôi, xây dựng nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối, tạo thành chuỗi khép kín. Các doanh nghiệp trong nước phần lớn chỉ tham gia được 1-2 khâu trong chuỗi này.

Không chỉ vượt trội về thị phần, hầu hết các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực TACN khi vào Việt Nam đều có chiến lược kinh doanh hết sức bài bản: đầu tiên là cung cấp thức ăn, con giống, sau đó là thiết lập các trang trại chăn nuôi, xây dựng nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối, tạo thành chuỗi khép kín. Điển hình như Công ty CP ngoài việc nắm giữ thị phần gần 20% của mảng TACN (chiếm 62% tổng doanh thu), công ty này cũng đang nắm giữ thị phần 40% đối với ngành hàng gà công nghiệp; thị phần 50% trứng gà công nghiệp; 5% tổng sản lượng chăn nuôi heo của cả nước. Đây cũng là điểm yếu của các doanh nghiệp trong nước khi phần lớn chỉ tham gia được 1-2 khâu trong chuỗi này.

“Nội” bắt đầu phản công
Trước sự lấn lướt của khối ngoại, các doanh nghiệp trong nước gần đây cũng bắt đầu có những động thái cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn đối với thị trường TACN. Mới đây ngày 27-4, Tập đoàn Masan (MSN) công bố đã mua 52% và 70% cổ phần của Công ty cổ phần Việt-Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco). Với động thái này, Masan được kỳ vọng sẽ là công ty sản xuất thức ăn dành cho heo lớn nhất đồng thời là công ty sản xuất TACN lớn thứ hai ở Việt Nam, với sản lượng cung cấp cho thị trường năm 2014 trên 1,7 triệu tấn.

Trước Masan, một “đại gia” khác là tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng tuyên bố chính thức tham gia thị trường TACN với việc thành lập Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Sản xuất TACN có vốn điều lệ dự kiến 300 tỉ đồng. Theo kế hoạch, công suất nhà máy đầu tiên là 300.000 tấn/năm và sản phẩm TACN của Hòa Phát sẽ xuất hiện trên thị trường vào tháng 1-2016. Hòa Phát đặt thị phần mục tiêu sau 10 năm là 10% với quy mô vốn đầu tư có thể lên đến 8.000-10.000 tỉ đồng. Hòa Phát nhiều khả năng cũng sẽ đi theo mô hình của các công ty nước ngoài như CP khi đầu tư theo dạng chuỗi, không chỉ giới hạn ở mảng TACN mà sẽ tấn công mạnh sang cả lĩnh vực con giống, chế biến và phân phối (mô hình 3F: Farm, Factory, Food).

Ngoài Masan và Hòa Phát, trong lĩnh vực thủy sản, Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) vẫn kiên trì mua cổ phiếu của Công ty cổ phần TACN Việt Thắng (VTF). Hùng Vương dự định sẽ nắm giữ tổng cộng gần 37,75 triệu cổ phiếu VTF, tương ứng tỷ lệ sở hữu 90,28%. Hiện nay, Việt Thắng đang dẫn đầu thị trường thức ăn cá tra tại Việt Nam với 14% thị phần.

Không dễ đổi ngôi
Mặc dù sự nổi lên gần đây của các doanh nghiệp nội như Masan, Hòa Phát, hay Hùng Vương trong lĩnh vực TACN là tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định ngôi vương của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này sẽ sớm bị lật đổ. Ước tính năm 2015 Việt Nam cần khoảng 18-20 triệu tấn TACN với doanh thu toàn thị trường ước tính là 6 tỉ đô la Mỹ. Với tình hình hiện tại, mới chỉ có Masan (ước tính sẽ có thị phần khoảng hơn 10% sau thương vụ mua Proconco và Anco) là có đủ vị thế cạnh tranh với CP và Cargill.

Ngoài thế mạnh về vốn và quy mô nhà máy, các doanh nghiệp FDI có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhờ hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn. Yếu tố này đã khiến các doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ, manh mún không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Các thương vụ M&A đang được kỳ vọng sẽ là nhân tố giúp hình thành các doanh nghiệp lớn, đủ sức để cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại. Mặc dù vậy, khả năng các doanh nghiệp nội có thể lấy lại thị phần và chiếm thế thượng phong trên thị trường TACN hay không vẫn là câu hỏi không dễ trả lời trong một sớm một chiều!

Những bất hợp lý và nguy cơ

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep):
CP Việt Nam là công ty được hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ của ngành cá tra. Thời kỳ đó, gần như chưa có doanh nghiệp nào làm thức ăn cho cá tra nên họ muốn bán giá nào thì bán. Bên cạnh đó, họ cũng rất khôn khéo. Thông thường, chính sách của họ là bán chịu từ 3-5% giá trị thức ăn, tích lũy sang mùa sau. Sau 10 mùa như vậy thì họ mới đòi, lúc đó bán cá khó khăn thì nông dân chỉ còn nước đưa ao nuôi và cá cho họ. Như vậy, nông dân từ ông chủ thành người làm thuê. Những chuyện này không ai nói đến và cũng không ai can thiệp.

Thực tế, CP đã có khoảng vài trăm héc ta nuôi cá tra theo hình thức như trên. Còn nếu tính cả diện tích họ đưa thức ăn cho dân nuôi thì không thể thống kê hết được.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ quản lý về mặt chất lượng theo đăng ký về thành phần các chất trong thức ăn chăn nuôi. Ví dụ về tỷ lệ đạm, nếu đem đi kiểm tra thì vẫn đúng như đăng ký nhưng đạm đó là đạm gì và cá có hấp thụ được hay không thì không ai biết. Nếu đó là đạm vô cơ thì rẻ hơn rất nhiều so với đạm thực phẩm. Hậu quả là người nông dân chịu hết. Nếu quản lý chặt chẽ thì phải dùng thức ăn đó nuôi trên mẫu thí nghiệm và so sánh với nhau.

Ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):
Đối với ngành chăn nuôi, đa phần các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) lớn dùng hình thức chăn nuôi gia công, liên kết với hộ nông dân. Theo hình thức này, công ty sẽ cung cấp TACN, giống, thuốc thú y để nông dân nuôi và trả công cho nông dân theo khối lượng mà nông dân nuôi được.

Sản xuất theo hình thức này, các công ty sẽ tránh được hai loại thuế là thuế môi trường và thuế giá trị gia tăng (GTGT). Khi cơ quan quản lý muốn thu thuế môi trường thì các công ty này sẽ biện minh là nông dân nuôi chứ họ không nuôi và họ không hề gây ra ô nhiễm môi trường. Song, khi muốn thu thuế GTGT thì các công ty lại nói rằng đó là sản phẩm chăn nuôi của mình, họ chỉ đưa cho nông dân nuôi hộ và các sản phẩm như TACN, thuốc thú y và con giống họ có bán cho ai đâu mà phải nộp thuế VAT. Thực tế, vấn đề này đã tồn tại nhiều năm nay mà vẫn chưa giải quyết được.

Trong khi đó, chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo, là ngành cực kỳ ô nhiễm môi trường. Vào những năm 1995-1998, Thái Lan cũng có chiến lược phát triển con heo nhưng sau đó họ đã không làm. Thời kỳ đó, tổng đàn heo của Thái Lan là 26 triệu, nhưng hiện nay tổng đàn chỉ còn 9 triệu. Đài Loan cũng vậy, cách đây 10 năm họ có 11 triệu dân và có 24 triệu đầu heo, tức một người dân thì có hai con heo. Nhưng tới giờ, khi dân số của họ khoảng 14 triệu người thì chỉ có 3-5 triệu đầu heo.

Liệu có phải Thái Lan và Đài Loan họ không có nhu cầu ăn thịt heo? Thực tế không phải vậy. Bản chất chăn nuôi heo rất ô nhiễm môi trường, khi các nước đó đánh thuế mạnh là các đàn heo chạy hết sang các nước kém phát triển hơn, trong đó có Việt Nam, nơi chưa đánh thuế vào ngành này. Theo quan điểm của tôi, cho dù là doanh nghiệp hay nông dân nuôi heo, nếu gây ra ô nhiễm môi trường thì cũng phải đánh thuế thật nặng để giá thành sản phẩm chăn nuôi tính đúng, tính đủ giá mà những sản phẩm này gây ra đối với môi trường.

Bình luận

  • avatar

    Mr Duy
    .
    Mình đã cố gắng nhiều rồi đó bạn
  • avatar

    Quách tinh
    .
    Công nghệ Việt Nam! Mình vẫn còn nghèo nàn lắm

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!