Tổng cục Thủy sản vừa có Công văn số 1477/TCTS-NTTS ngày 30/6 gửi Sở NN&PTNT các tỉnh Nam bộ về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản 6 tháng cuối năm 2016 để đảm bảo sản xuất kịp thời vụ, an toàn và hiệu quả.
Theo đó, hiện nay thời tiết diễn biến theo hướng tích cực, các tỉnh Nam bộ đã có mưa làm cho nhiệt độ và độ mặn giảm (độ mặn 15 - 20‰, cao nhất là 30‰, nhiệt độ nước là 30 - 310C) là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi tôm và các loài thủy sản. Tuy nhiên, những cơn mưa lớn có thể làm cho môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, các loài tôm, cá dễ bị sốc môi trường dẫn đến dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi thủy sản.
Để sản xuất cho kịp thời vụ, đảm bảo an toàn và hiệu quả, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố Nam bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh/kiểm tra về chất lượng, giá cả vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, thông tin rộng rãi cho người dân biết.
Chủ động thường xuyên quan trắc môi trường các vùng nuôi tập trung, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và thông tin, hướng dẫn kịp thời cho người nuôi.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường để có biện pháp điều chỉnh phù hợp - Ảnh: Thanh Nhã
Về kỹ thuật nuôi tôm nước lợ, cần rà soát, điều chỉnh thời vụ phù hợp mỗi vùng; hướng dẫn người dân khẩn trương cải tạo ao đầm, chuẩn bị con giống, lưu ý giải pháp thả giống cỡ lớn (sau khi ương/vèo 15 - 30 ngày) để rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao hiệu quả, đặc biệt là để đảm bảo thời vụ cho môi hình tôm - lúa. Đồng thời, nhanh chóng tổng hợp các mô hình, giải pháp kỹ thuật hay từ thực tiễn để phổ biến, nhân rộng. Khuyến cáo người dân khẩn trương thu hoạch đối với thủy sản nuôi đạt kích thước làm thương phẩm.
Đối với thủy sản đang nuôi, đặc biệt là tôm nước lợ, khuyến cáo cơ sở nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra yếu tố môi trường như: pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn, độ trong… để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Cần rải vôi bột xung quanh bờ ao; sau các trận mưa lớn nên rút bớt nước tầng mặt hoặc bổ sung nước mặn từ ao chưa lắng/xử lý (nếu có điều kiện) và chạy quạt/sục khí để hạn chế hiện tượng phân tầng nước trong ao nuôi. Đồng thời bổ sung khoáng chất, vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm, cá nuôi.
Đối với các loài nhuyễn thể nuôi, khuyến cáo người dân cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường cơ bản (như pH, nhiệt độ, độ mặn…) vùng nuôi, vệ sinh bãi nuôi sạch sẽ, chủ động san thưa, không để mật độ nuôi quá dày.
Đối với phần diện tích ao nuôi thủy sản chưa thả nuôi, cần nhanh chóng hướng dẫn các hộ nuôi cải tạo ao nuôi theo quy trình kỹ thuật phù hợp với từng đối tượng nuôi, thực hiện quy trình tạm thời nuôi tôm nước lợ trong vùng dịch bệnh của Tổng cục Thủy sản.
Khuyến cáo người dân cải tạo ao/đầm nuôi đúng quy trình kỹ thuật, trước khi thả giống cần kiểm tra các thông số môi trường để điều chỉnh đến khi có giá trị nằm trong ngưỡng phù hợp mới thả giống. Thực hiện ương gièo giống trước khi thả nuôi thương phẩm.
Đối với địa phương có thủy sản nuôi bị thiệt hại cần phối hợp với cơ quan chức năng liên quan xác định nguyên nhân, có kết luận và thông báo cho người dân biết. Thực hiện các biện pháp xử lý thủy sản chết theo quy định. Đồng thời, đề xuất giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời theo quy định để người dân ổn định, khôi phục sản xuất.
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!