Các sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng được các điều kiện về an toàn thực phẩm và các điều kiện về kiểm dịch, sẽ được định hướng để xuất khẩu (XK). Cùng với đó, chăn nuôi nông hộ sẽ tổ chức thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng dẫn họ để kết nối với các doanh nghiệp (DN), các tập đoàn lớn để đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Sau những biến động của lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn có nhiều thăng trầm thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã có những chia sẻ về hướng phát triển mới của lĩnh vực này.
Thưa ông, mới đây Việt Nam đã chính thức xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Myanmar. Đây là dấu mốc của sự phát triển trong chăn nuôi nói chung và nuôi lợn nói riêng. Vậy để mở rộng hơn nữa việc XK này thì ngành chăn nuôi được định hướng như thế nào thời gian tới?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Trước hết, xuất phát từ chủ trương của Chính phủ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu là tìm kiếm những sản phẩm có lợi thế không chỉ chỉ sản xuất cung ứng trong nước mà quan trọng là hướng đến xuất khẩu. Muốn xuất khẩu thì chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật.
Đối với các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế của Việt Nam như lợn, gia cầm chúng ta vẫn chưa XK nhiều, vì vậy, vừa qua Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt là khuyến khích các tập đoàn lớn, các DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Tập đoàn Mavin được Bộ NN&PTNT chứng nhận là DN Nông nghiệp Công nghệ cao Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Định hướng XK các sản phẩm chăn nuôi sẽ tác động đến sản xuất của lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Không chỉ đối với trong nước mà đối với XK, chúng ta tổ chức lại sản xuất nông sản theo chuỗi và gắn với thị trường, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Các DN đầu chuỗi sẽ tiếp cận với thị trường chế biến XK. Việc sản xuất sẽ căn cứ vào các hợp đồng đã ký với các nhà nhập khẩu, không d dể xảy ra tình trạng ế thừa.
Còn đối với những người chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ dân thì sẽ tập hợp lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng dẫn họ để kết nối với các DN, các tập đoàn lớn để đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật có truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, thông qua dự án Lifsap, Ngân hàng Thế giới đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta cũng đã hình thành lên các chuỗi như vậy và tập trung chủ yếu vào các nông hộ. Như vậy, ngành chăn nuôi đi bằng hai chân và có các cơ chế chính sách khuyến khích các tập đoàn lớn kể cả nước ngoài và trong nước đầu tư vào chăn nuôi, từ đó sẽ hình thành các chuỗi, các tập đoàn rất lớn như Masan, Phú Gia (Thanh Hóa), Mavin, CP…
Thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam được xác định là gì thưa ông?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Chăn nuôi Việt Nam xác định con lợn vẫn là một lợi thế, thứ hai là gia cầm, đặc biệt là thủy cầm.
Hiện nay, trứng vịt của Việt Nam ngon nhất Đông Nam Á và thế giới. Đối với các sản phẩm gia cầm, hiện nay có gà công nghiệp hiện chúng ta có các tập đoàn lớn bắt tay vào chăn nuôi. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng đang khuyến khích phát triển gà lông màu và các giống bản địa khác theo hướng sản xuất hữu cơ như gà đồi Yên Thế, các vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao. Cần phải khuyến khích phát triển các giống bản địa và khuyến khích chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến phát triển các đặc sản.
Sau việc công bố chính thức xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang Myanmar, kế hoạch mở rộng thị trường cho XK thịt lợn thời gian tới sẽ được hướng tới như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Trước hết sẽ tập trung vào việc nhà nước đồng hành hỗ trợ các DN lớn, các tập đoàn lớn để họ tìm kiếm thị trường đồng thời trên cơ sở yêu cầu của các tập đoàn để xây dựng các vùng nguyên liệu. DN Mavin là 1 ví dụ, tới đây thông qua đề xuất của các DN, Bộ sẽ thành lập 1 tổ công tác do Cục trưởng Cục Thú y làm tổ trưởng và các đơn vị liên quan để gắn bó và hỗ trợ các DN xây dựng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, hợp tác với Chi cục Thú y của các nước nhập khẩu để có thể thống nhất được các tiêu chuẩn, thúc đẩy việc XK.
Tới đây, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) sẽ cử chuyên gia sang giúp hỗ trợ các DN xây dựng các vùng cơ sở an toàn dịch bệnh. Cùng với đó sẽ xem xép cấp các chứng chỉ của OIE chứng nhận các vùng cơ sở an toàn dịch bệnh cũng như toàn bộ chuỗi, đây là cơ sở để chúng ta có thể mở rộng XK. Thứ hai, chúng ta sẽ phối hợp cùng OIE để khống chế, kiểm soát dịch hại trên vật nuôi trong đó có cúm gia cầm, tai xanh, đặc biệt là lở mồm long móng.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!