Khoáng đa lượng trong nuôi tôm thâm canh

Khoáng chất luôn đóng vai trò quan trọng trong thành phần dinh dưỡng của nuôi tôm thâm canh. Trong đó, tìm hiểu về các khoáng chất đa lượng và nguồn bổ sung là rất cần thiết cho tôm nuôi.

                                 Cho tôm nuôi ăn đầy đủ khoáng chất để đảm bảo sức đề kháng tốt.

Vai trò

Chức năng chung của các khoáng chất bao gồm các thành phần của bộ xương ngoài, cân bằng áp suất thẩm thấu, các thành phần cấu trúc của các mô, truyền xung động thần kinh và hoạt động của cơ. Khoáng chất đóng vai trò như thành phần thiết yếu cho các enzyme, vitamin, kích thích tố (hormone), sắc tố, yếu tố đồng vận chuyển trong quá trình chuyển hóa, chất xúc tác và hoạt hoá enzyme. Khoáng chất còn đóng một vai trò quan trọng trong sự cân bằng acid-base của cơ thể, và do đó điều chỉnh độ pH của máu và các chất dịch cơ thể khác.

 

Canxi (Ca)

Như chúng ta đều biết canxi là thành phần thiết yếu của xương, sụn và bộ xương ngoài của giáp xác như vỏ. Canxi là chất kích hoạt cho một số enzyme như lipase tụy, acid phosphatase, cholinesterase, ATPase và succinic dehydrogenase. Canxi làm việc chặt chẽ với các khoáng chất khác (Mg và K) để kích thích sự co cơ (kích thích cơ bắp và nhịp tim bình thường). Canxi có thể dễ dàng hấp thụ từ nước vào cơ thể động vật bằng quá trình vôi hóa và cũng có thể được hấp thụ qua đường tiêu hóa (thông qua hoạt động vitamin D3), mang và bề mặt cơ thể của tôm.

Các nguồn giàu canxi bao gồm đá vôi, vỏ sò ốc, bột xương, đá phốt phát; bột cua, bột thịt xương, bột cá, phân gia cầm, bột mì, sữa bột khô ...

 

Phospho (P)

Phospho là thành phần thiết yếu của xương, sụn và bộ xương ngoài của vỏ động vật giáp xác. Phospho là thành phần thiết yếu của phospholipid, axit nucleic, phosphoprotein (casein), este phosphate năng lượng cao (ATP), hexose phosphates, creatine phosphate, enzym chủ chốt. Như là một thành phần của những chất sinh học quan trọng này, phospho đóng một vai trò trung tâm trong sự trao đổi năng lượng và tế bào. P vô cơ đóng vai trò như các bộ đệm quan trọng để điều chỉnh sự cân bằng acid-base bình thường (tức là độ pH) của dịch cơ thể động vật.

Các nguồn giàu phospho bao gồm đá phospho, canxi phospho, bột xương, bột thịt, bột cá trắng, bột tôm, phân chuồng khô, cám gạo, cám lúa mì... Mặc dù muối phospho hòa tan có thể được hấp thụ qua mang tôm, nhưng lượng phospho cần thiết theo yêu cầu thường được bổ sung thông qua thức ăn.

 

Magie (Mg)

Mg là thành phần thiết yếu của xương, sụn và bộ xương ngoài của giáp xác. Mg đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích cơ và co cơ. Mg tham gia vào việc điều hoà cân bằng acid-base nội bào và đóng một vai trò quan trọng trong sự trao đổi carbohydrate, protein và lipid.

Mg dễ hấp thu qua đường tiêu hóa, mang của động vật giáp xác. Giống như Ca và P, một tỷ lệ Mg có chứa trong thực phẩm thực vật có thể có ở dạng phytin (muối của axit phytic). Nguồn giàu Mg bao gồm bột thịt, xương, cám gạo, bột hạt hướng dương, cám lúa mì, bột hạt bông, bột mịn, phân gia cầm và bột cua.

 

Natri (Na), Kali (K) và Chloride (Cl)

 Các ion K, Na và Cl tham gia vào quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu, hoạt động enzyme Na+/K+ ATPase trong tế bào. Na+  có chức năng dẫn truyền xung động thần kinh cơ. K+ có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của tôm. Tôm thẻ chân trắng có biểu hiện kém ăn, hoạt động kém, tăng trưởng chậm, thậm chí bị chết khi thiếu K+.

K, Na và Cl được hấp thu từ đường tiêu hóa hoặc qua mang của tôm. Các loại thực phẩm giàu  K, Na và Cl bao gồm: Bột cá, bột tôm, bột cá trắng, bột thịt, bột thịt xương, mật ong, bột mì, hạt hướng dương.

 

Lưu huỳnh (S)

S là thành phần thiết yếu của một số acid amin quan trọng, do đó, nó là cần thiết cho sự tổng hợp protein và tăng trưởng của động vật. Lưu huỳnh là thành phần thiết yếu của các vitamin quan trọng B (thiamine và biotin), insulin nội tiết tố cần thiết cho đường và năng lượng chuyển hóa và được cho là rất cần thiết cho lớp vỏ của giáp xác. S được cho là tham gia giải độc các hợp chất thơm trong cơ thể động vật và là chất dinh dưỡng tự nhiên cho vi sinh vật, thực vật phù du và động vật phù du vì vậy nó cần thiết để tăng năng suất sơ cấp hoặc chuỗi thức ăn chính.

Các nguồn chứa S bao gồm bột cá, trứng gà và bột lông thủy phân. S chứa acid amin và sulfate hữu cơ được hấp thu bằng đường ăn của tôm.

 

Lưu ý khi bổ sung

Tôm nuôi cần được cho ăn đầy đủ khoáng chất để đảm bảo có sức đề kháng tốt với bệnh tật, stress, tạo vỏ mới và mô thịt, điều hòa áp suất thẩm thấu, xúc tác dẫn động thần kinh và hoạt động của cơ. Việc bổ sung thường xuyên khoáng chất vào môi trường nuôi có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các mô hình nuôi thâm canh, đặc biệt là ở các mô hình nuôi với mật độ cao. Mật độ nuôi càng cao thì thời gian bổ sung khoáng chất càng ngắn 3 - 7 ngày. Đồng thời, càng về cuối vụ nuôi, lượng khoáng cần được tăng lên và giảm thời gian giữa hai lần bổ sung liên tiếp. Một lưu ý trong việc bổ sung khoáng chất trong ao nuôi là, độ mặn càng thấp lượng khoáng bổ sung sẽ càng nhiều. Thông thường, với 1.000 m3 nước cần bổ sung 1 - 3 kg khoáng/lần. Vào chu kỳ lột xác của tôm, tôm hấp thụ khoáng chất mạnh nhất vào khoảng 2 - 4 giờ sáng. Do đó, người nuôi cần bổ sung khoáng vào môi trường nuôi trước đó khoảng 3 - 4 giờ (nên bổ sung khoáng chất vào buổi chiều hoặc lúc 22 - 24 giờ). Khoáng chất sử dụng cho động vật thủy sản thường có hai dạng: Khoáng nước (là hỗn hợp dung dịch các muối phosphate) và khoáng bột (thường là hỗn hợp các hợp chất oxit). Bổ sung khoáng bột định kỳ 5 - 7 ngày tạt 1 kg/1.000 m3 nước đối với tôm nuôi dưới 45 ngày tuổi; rút ngắn thời gian tạt khoáng còn 3 ngày tạt 1 kg/1.000 m3 nước đối với tôm trên 45 ngày tuổi (Bởi đối với tôm, đây là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất nên cũng cần hàm lượng khoáng cao hơn). Đồng thời, nên kết hợp trộn khoáng nước vào thức ăn định kỳ: 5 ml/kg thức ăn (2 lần/ngày).

Phạm Hải

 

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!