Tác dụng của vôi và cách bón vôi như thế nào để có hiệu quả trong việc cải tạo đất trồng lúa?

Vôi là dạng phân bón rất cần thiết cho cây trồng. Ngoài tác dụng cung cấp dưỡng chất can-xi (Ca) cho cây trồng, vôi còn nhiều tác dụng mà phân hoá học khác không có được, đó là: ngăn chặn sự suy thoái của đất; khử được tác hại của mặn; ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất và phát huy hiệu lực của phân hữu cơ, phân vô cơ, thuốc diệt cỏ.

Hiện nay, trên thị trường có 2 dạng vôi để bón cho ruộng như:

  • Vôi nông nghiệp (hay còn gọi vôi bột) công thức CaCO3 được làm ra bằng cách nghiền mịn đá vôi. Loại này tác dụng chậm, thường từ 2-6 tháng sau khi bón, tuỳ theo độ mịn của bột đá.
  • Vôi sống (hay còn gọi vôi nung) được tạo ra bằng cách nung đá vôi trong lò nung như làm gạch ở nhiệt độ khoảng 900-1.000oC. Loại này tác dụng mạnh và nhanh nhất nhưng dễ gây bỏng khi gặp nước.

Về liều lượng sử dụng: Tuỳ mức độ nhiễm phèn (độ chua) của đất mà liều lượng vôi bón khác nhau. Nếu đất bị phèn ít, bón từ 20-25 kg/công lớn, phèn trung bình 35-40 kg, phèn nặng 50-60 kg/công lớn.

Cách bón: Để phát huy tác dụng của vôi trong việc cải tạo đất, trước khi bón, nên rút bớt nước trên ruộng (nếu ruộng nước quá nhiều) rồi tiến hành bón vôi đều khắp ruộng. Sau khi bón xong dùng máy trục nhận vôi xuống dưới cho vôi trộn lẫn với đất.

Sau khi trục xong, giữ nước lại trong vòng 1-2 ngày để cho vôi tác dụng cải tạo đất, phóng thích các chất chua, các chất gây độc cho cây trồng như: Fe (sắt), Al (nhôm), Mn (măn-gan)… Sau đó tiến hành xổ bỏ nước này và thực hiện công việc gieo sạ lúa bình thường./.

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!